Lịch sử hình thành và phát triển của nghề trồng dâu nuôi tằm
Trồng dâu nuôi tằm được ra đời từ hàng ngàn năm trước Công Nguyên ở Trung Quốc và phát triển rộng khắp thế giới. Vậy nghề trồng dâu nuôi tằm đã ra đời như thế nào, cùng DalatSilk tìm hiểu trong bài viết này.
Trồng dâu nuôi tằm là gì?
Trồng dâu nuôi tằm được hiểu đúng như tên gọi, nghĩa là trồng cây dâu, lấy lá cho tằm ăn để cuối cùng thu được kén tằm. Vì lá chỉ dùng để cho tằm ăn nên người ta thường gọi là cây dâu tằm, để phân biệt với cây dâu tây.
Tằm là tên gọi giai đoạn ấu trùng của 1 loài bướm thuộc họ Bombycidae. Chúng ăn lá dâu hoặc bất cứ loại cây nào thuộc chi cây dâu Morus. Sau khi ăn đủ sức, tằm sẽ tìm nơi thích hợp để giăng tơ kết thành tổ kén.
Không chỉ tằm mà trong tự nhiên có rất nhiều loại côn trùng tạo ra kén bằng cách nhả tơ, có thể kể đến như sâu tơ, ngài vải, sâu kèn, … Nhưng sợi tơ của tằm tạo ra là có chất lượng tốt nhất, phù hợp để làm sợi vải.
Nghề trồng dâu nuôi tằm ra đời từ khi nào?
Theo nhiều tài liệu sử học, trồng dâu nuôi tằm đã hình thành từ khoảng 2500-3000 năm trước công nguyên ở Trung Quốc. Có nhiều ghi chép lịch sử về sự kiện này, nhưng hầu như đều chỉ ra người đã khai phá ra nghề này là vị hoàng hậu của vị Hoàng Đế Công Tôn Hiên Viên, Luy Tổ.
Truyền thuyết kể rằng, trong một lần dạo chơi trong rừng để hái quả dại, Luy Tổ đã phát hiện thấy có những vật thể tròn tròn như quả trứng cút dính trên một gốc cây rừng. Nghĩ là loại quả đặc biệt, bà đã mang về nhà và không lâu sau khi vẫn chưa biết là loại quả gì thì thấy có bướm chui ra. Sau đó, bướm lại để ra trứng rồi nở ra rất nhiều những sinh vật nhỏ bé mà sau này được gọi là tằm. Vốn dĩ rất thích những chiếc kén tìm thấy, bà đã tìm cách cho những sinh vật nhỏ bé kia cho ăn, bằng cách mang lá của chính cái cây nơi bà tìm thấy kén ban đầu và trồng hẳn một cây trong cung. Dần dà, chúng lớn lên và không lâu sau thì nhả tơ tạo thành những chiếc kén trắng xinh như ban đầu bà tìm thấy. Nhưng khi đó, bà vẫn chưa biết được mình sắp khám phá ra một tinh hoa phát triển của nhân loại.
Một hôm, khi đang ngồi uống trà dưới gốc cây mà bà mang về từ trong rừng, có một chiếc kén vô tình rơi vào cốc trà của của bà tự bao giờ. Dưới tác dụng của nước nóng trong cốc trà, lớp vỏ kén trắng mềm ra, để lộ ra là những sợi tơ mảnh óng ả mượt mà, đặt lên da thì cảm giác mềm mịn vô cùng, lại có thể kéo ra khá là dài, cực kỳ thích hợp cho việc dệt vải. Từ đó bà tìm cách nuôi chúng một cách bài bản hơn, đặt loài cây tìm thấy trong rừng là dâu, gọi sinh vật kia là tằm.
Dần dà, cách làm của bà đã được truyền bá rộng rãi trong dân chúng, kỹ thuật nuôi cũng ngày một hoàn thiện và bằng nhiều con đường đã được lưu truyền đến tận ngày nay.
Nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển khắp thế giới như thế nào?
Đến thế kỷ 2 TCN, Hán Vũ Đế sai người tìm đồng minh chống lại kẻ thù Hung Nô. Họ đã đi mãi về hướng Tây, tới Bắc Ấn Độ ngày nay, tìm được đồng mình là người Nguyệt Chi, và cũng từ đó tuyến đường nối liền Đông Tây được hình thành, mở ra thời kỳ giao thương buôn bán của những thương nhân dọc tuyến đường này.
Tơ lụa thời bấy giờ được xem là món hàng xa xỉ phẩm vì những đặc điểm đặc biệt của nó, nên nhanh chóng trở thành món hàng được nhiều nhiều người săn đón. Dù không chỉ buôn bán mỗi mặt hàng tơ lụa, nhưng chính vì đây là tuyến đường đem tơ lụa đi khỏi xứ xở Trung Hoa, đến những nơi xa xôi nhất và tơ lụa là mặt hàng có giá trị nhất trong số những thứ được buôn bán, người ta đã gọi đây là "Con đường tơ lụa".
Kể từ đây, không chỉ có thành phẩm tơ lụa được vận chuyển đi khắp nơi, mà kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa cũng được truyền bá rộng rãi khắp thế giới.
Sự phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở các quốc gia trên thế giới hiện nay
Ngày nay, ngành tơ tằm đã có mặt ở hơn 60 quốc gia trên thế giới, trong đó châu Á chiếm đa số với hơn 90% sản lượng tằm dâu của thế giới. Giá trị tơ lụa xuất khẩu ước đạt trên 2 tỷ đô la Mỹ mỗi năm với thị trường tiêu thụ vô cùng rộng lớn, đặc biệt phải kể đến là các kinh đô thời trang Ý, Pháp, Anh, Mỹ và các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trung Quốc
Như đã kể nêu ở trên, Trung Quốc là cái nôi cho của tơ lụa. Và cho đến ngày nay, Trung Quốc vẫn là cường quốc về các mặt hàng tơ tằm và lụa. Tại Trung Quốc có hẳn một viện bảo tàng về lụa tơ tằm, cùng với nhiều bảo tàng lớn nhỏ đều trưng bày các sản phẩm lụa Hàng Châu trên khắp thế giới.
Trung Quốc đang chiếm trên 70% sản lượng tơ thô, 90% sản lượng xuất khẩu các mặt hàng tơ lụa và từng bỏ xa ít nhất 40 lần so với quốc gia đứng thứ 2 bảng xếp hạng, Ấn Độ.
Ấn Độ
Ấn Độ là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về sản lượng tơ tằm và đứng đầu thế giới thế về mức độ tiêu thụ. Ấn Độ cũng thành lập viện nghiên cứu riêng dành cho nghề trồng dâu nuôi tằm.
Uzbekistan
Mặc dù sản xuất ở nước này chưa áp dụng công nghệ tiên tiến cũng như phân phối trứng giống toàn quyền thuộc chính phủ, nhưng Uzbekistan vẫn đứng 3 thế giới về sản lượng tơ tằm.
Thái Lan
Đứng thứ 4 thế giới về sản lượng tơ tằm, Thái Lan cũng đang là nước có sản lượng tơ tằm đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam
Việt Nam chúng ta cũng là một nước có sản lượng tơ tằm thuộc top 6-7 nước dẫn đầu. Vì là nước láng giềng phía nam của Trung Quốc, nghề trồng dâu nuôi tằm du nhập vào nước ta từ khá sớm, ghi nhận trong sử sách Trung Quốc từ thời Lạc Việt cổ.
Hiện tại Việt Nam vẫn tồn tại 2 hình thức ươm tơ dệt lụa. Hình thức thủ công truyền thống vẫn được kế thừa ở các làng cổ Vạn Phúc (Hà Nội), Cổ Chất (Nam Định), Nha Xá (Hà Nam), Mã Châu (Quảng Nam), Tân Châu (An Giang). Trái lại, các vùng Nam Ban, Bảo Lộc, Đức Trọng thuộc Lâm Đồng thì tập trung các nhà máy ươm tơ công nghệ hiện đại.
Vai trò của nghề trồng dâu nuôi tằm
Việc phát hiện ra tơ tằm và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm chính là một cột mốc và một thành tựu to lớn của nhân loại. Việc hình thành con đường tơ lụa ngoài ý nghĩa thông thương, còn là hành chính giao lưu văn hóa, tôn giáo.
Cho tới ngày nay, tơ lụa vẫn là một mặt hàng có giá trị cao vì thế trồng dâu nuôi tằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Nghề trồng dâu nuôi tằm cũng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất ở các vùng nông thôn.
Đọc đến đây hy vọng bạn đã có cho mình thêm thông tin hữu ích về lịch sử phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Bài viết này chỉ mang tính chất giới thiệu khái quát. Bạn có thể tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích khác tại website của DalatSilk.
Tags: trồng dâu nuôi tằm nghề trồng dâu nuôi tằm nuôi tằm lịch sử nghề trồng dâu nuôi tằm lịch sử nghề nuôi tằm